Lạm phát ở Mỹ tăng sốc 9,1%, lập một đỉnh mới trong tháng 6 vừa qua, khiến giới đầu tư càng thêm lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải nâng lãi suất mạnh tay để hãm đà leo thang của giá cả…
Người dân mua hàng hóa tại siêu thị ở Glendale, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo dữ liệu do Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất của lạm phát ở Mỹ trong hơn 40 năm qua và cao hơn nhiều so với mức tăng 8,6% ghi nhận trong tháng 5. Ngoài ra, con số lạm phát này cũng cao hơn so với mức dự báo 8,8% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó – theo dữ liệu của Refinitiv.
Nếu so với tháng 5, giá cả tiêu dùng ở Mỹ tăng 1,3%.
Phần lớn lạm phát của tháng 6 là do giá xăng tăng mạnh. So với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng ở nước này đã tăng gần 60%. Người Mỹ phải đi bơm xăng trong tháng 6 với mức giá cao chưa từng thấy trong lịch sử, bình quân toàn quốc vượt 5 USD/gallon xăng.
Giá điện và giá khí đốt ở nước này cũng tăng, với mức tăng tương ứng 13,7% và 38,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, giá năng lượng ở Mỹ đã tăng 41,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Năng lượng không phải là nhóm mặt hàng duy nhất tăng giá, mà sự leo thang của giá cả được ghi nhận ở tất cả các nhóm mặt hàng trong chỉ số CPI. Giá lương thực-thực phẩm tăng 12,2%, trong đó giá ngũ cốc tăng 12,2%; sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 13,5%; thịt tăng 13,8%.
Nguồn: CNN/Bộ Lao động Mỹ.
Tuần này, Nhà Trắng dự báo dữ liệu lạm phát tháng 6 sẽ là một mức cao do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine.
Nếu không tính giá lương thực-thực phẩm và giá năng lượng, lạm phát lõi ở Mỹ trong tháng 6 là 0,7% so với tháng 5 và 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạm phát ngày càng “nóng” được cho sẽ là căn cứ để Fed tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt để “hạ nhiệt” nền kinh tế và giá cả. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ dự kiến diễn ra vào ngày 26-27/7, Fed nhiều khả năng lãi suất với bước nhảy ít nhất 0,75 điểm phần trăm.
Theo công cụ dự báo FedWatch của sàn giao dịch CME, giới đầu tư ở Phố Wall thậm chí đang đặt cược khả năng 37% Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 1% trong lần họp này.
“Báo cáo CPI mang đến một cú sốc nữa. Cũng ‘đau thương’ như con số ngất ngưởng của tháng 6 và tồi tệ không kém là nguồn lạm phát ngày càng rộng”, chuyên gia kinh tế Robert Frick của Navy Federal Credit Union nhận định. “Dù mức tăng CPI chủ yếu đến từ giá năng lượng và lương thực-thực phẩm, giá cả vẫn đang tiếp tục tăng đối với các dịch vụ và hàng hoá trong nước, từ nhà cửa cho tới ô tô và quần áo”.
Các nhà hoạch định chính sách trong Fed đang loay hoay tìm câu trả lời cho một tình huống bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm chuỗi cung ứng tắc nghẽn, nhu cầu hàng hoá và dịch vụ quá lớn, và hàng nghìn tỷ USD tiền kích cầu trong đại dịch Covid-19. Trong tình huống này, người tiêu dùng Mỹ đang có trong tay một lượng tiền lớn để tiêu, và phải đối mặt với sự leo thang giá cả mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ.
Từ tháng 3 đến nay, Fed đã có 3 lần nâng lãi suất, đưa lãi suất quỹ liên bang – tức lãi suất cơ bản – tăng từ 0-0,25% lên 1,5-1,75%. Fed được cho là sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho tới khi lạm phát giảm gần về mức mục tiêu 2%.
Nỗi lo của thị trường tài chính hiện nay là nếu Fed tăng lãi suất quá nhanh và quá mạnh, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Đây là nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ liên tục giảm mạnh gần đây.
Các chỉ số chứng khoán của Mỹ đã giảm mạnh ngay khi thị trường vừa mở cửa phiên ngày thứ Tư (13/7), sau khi báo cáo CPI được công bố, với cả ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đồng loạt mất hơn 1% điểm số trong giờ đầu giao dịch.
(Nguồn VNEconomy)